19/12/2018
Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28 tháng 9 năm 2018
Ngày 17/10/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – Phó trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã ký ban hành Thông báo số 717/TB-BCĐĐHG thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tương Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28 tháng 9 năm 2018, một số nội dung cụ thể như sau:
Giữ mức lạm phát bình quân dưới 4% theo chỉ tiêu của Quốc hội là nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ
Qua công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ghi nhận sự nỗ lực cao của các Bộ, ngành, địa phương. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2018 tăng 0,59% so với tháng 8 năm 2018, bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,57%. Diễn biến CPI trong 9 tháng đầu năm vẫn hoàn toàn nằm trong các kịch bản dự báo của Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành; việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm 2018 theo chỉ tiêu Quốc hội giao là trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các biến động quá bất thường từ diễn biến địa chính – chính trị và thị trường hàng hóa thế giới.
Công tác tham mưu, dự báo và đánh giá tác động của các yếu tố lên mặt bằng giá được thực hiện tốt
Tại Thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính - Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Tổng cục Thống kê, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành trong việc chuẩn bị các nội dung báo cáo tổng hợp, toàn diện và kịp thời kiến nghị các giải pháp phù hợp để bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các Bộ, ngành tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc triển khai các công việc được giao; bố trí nguồn lực và tạo điều kiện để triển khai đa dạng các nội dung hoạt động của Nhóm giúp việc liên ngành và Ban Chỉ đạo điều hành giá, đẩy mạnh tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong các công tác tham mưu, dự báo và đánh giá tác động của các yếu tố lên mặt bằng giá. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành cần có các hình thức khen thưởng kịp thời cho các cơ quan, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động của Nhóm giúp việc liên ngành cũng như Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Quyết tâm không để xảy ra lạm phát kỳ vọng năm 2018 và năm 2019
Qua phân tích các yếu tố tạo áp lực tăng giá trong 3 còn lại của năm 2018, Phó Thủ tướng khẳng định công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục cố gắng nỗ lực, đặc biệt không để xảy ra lạm phát kỳ vọng không chỉ của năm 2018 và cả trong năm 2019. Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm tại các Thông báo số 259/TB-BCĐĐHG ngày 30 tháng 3 năm 2018, Thông báo số 403/TB-BCĐĐHG ngày 22 tháng 6 năm 2018 và Thông báo số 489/TB-BCĐĐHG ngày 27 tháng 7 năm 2018 về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa; Trong đó, chú đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
Các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường đối với các mặt hàng có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, LPG, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết. Tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...).
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức khoảng 1,5% - 1,6%. Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để điều hòa lượng tiền gửi của Kho bạc nhà nước nhằm giảm áp lực về lượng tiền lưu thông và áp lực lên lạm phát.
Trong công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đưa ra các yêu cầu cụ thể liên quan đến mặt hàng nông sản; xăng dầu; dịch vụ khám chữa bệnh; thuốc và vật tư y tế; dịch vụ sử dụng đường bộ BOT; dịch vụ giáo dục, theo đó:
- Đối với mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi diễn biến giá cả thị trường có biện pháp cân đối cung cầu nhằm ổn định đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm; theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và chủ động có các biện pháp phòng bệnh, tránh lây lan tại các tỉnh giáp ranh. Phối hợp Bộ Công Thương có các giải pháp bình ổn giá thịt lợn thành phẩm, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tiếp tục nghiên cứu tìm đầu ra xuất khẩu cho nhiều mặt hàng nông sản để đảm bảo tính bền vững của sản xuất; chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ để kịp thời ứng phó với các diễn biến bất thường trong mùa mưa bão cũng như chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.
- Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp. Trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học trong tổng lượng tiêu thụ xăng dầu nhằm giảm mặt bằng giá xăng dầu cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
- Đối với mặt hàng điện, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát các chi phí giá thành của ngành điện trong các năm 2017, 2018 và dự kiến 2019 để đề xuất kịch bản điều hành giá phù hợp cho năm 2019. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức phù hợp, gắn với đó là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin về giá. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường các giải pháp nhằm giảm chi phí giá thành, tổn thất điện năng, tăng sử dụng các nguồn phát điện có chi phí thấp như thủy điện.
- Đối với dịch vụ khám chữa bệnh: Bộ Y tế khẩn trương đánh giá, rà soát sửa đổi các quy định pháp lý để điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện ngay trong năm 2018; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá tác động, đề xuất kịch bản điều hành đối với việc kết cấu thêm chi phí quản lý trong giá dịch vụ khám chữa bệnh trong năm 2019.
- Đối với thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc chuẩn bị thủ tục pháp lý đối với việc tổ chức triển khai đấu thầu tập trung quốc gia năm 2019. Khẩn trương triển khai thực hiện đấu thầu tập trung đối với vật tư y tế.
- Đối với dịch vụ hàng hải, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container phù hợp với mặt bằng giá các nước trong khu vực và điều kiện thực tế tại Việt Nam. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), Bộ Tài chính trong việc đánh giá tác động của lộ trình điều chỉnh để không gây tác động đến chỉ số CPI và các mặt kinh tế xã hội khác.
- Đối với dịch vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải tăng cường quản lý giá cước vận tải hành khách, giám sát công tác kê khai và điều chỉnh giá của các doanh nghiệp vận tải, đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân trong các dịp lễ, Tết.
- Đối với dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương chủ động nắm bắt thông tin, đánh giá những tác động của việc tăng học phí trong năm học 2018 – 2019; đăng ký và dự kiến mức tăng học phí và việc thực hiện lộ trình giá thị trường trong năm 2019.
- Đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương: Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung, tránh điều chỉnh tăng giá khi chưa có đủ các điều kiện phù hợp. Đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện công tác niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá tại địa bàn, nhất là các tháng trước, trong và sau Tết.
- Về công tác thông tin tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Bên cạnh đó, đối với công tác dự báo, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục đánh giá, phân tích diễn biến tình hình kinh tế xã hội, mức độ tăng trưởng của nền kinh tế để tính toán đề xuất cụ thể mức chỉ tiêu lạm phát trong năm 2019 cho phù hợp. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường công tác dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường để đề xuất kịch bản điều hành giá chi tiết cho năm 2019 nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý IV năm 2018.
Nội dung trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các ngành liên quan theo dõi, dự báo diễn biến giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn; đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá theo quy định; đồng thời đề xuất các biện pháp điều hành giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ./.
LKT
|
|
-
Đang online:
31
-
Hôm nay:
1494
-
Trong tuần:
13 811
-
Tất cả:
1583711
|
|